45 năm quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bangladesh

 

Cách đây 45 năm, vào ngày 11/2/1973, Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, hai bên duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp.

Đất nước Bangladesh tươi đẹp

Nằm ở Nam Á, Bangladesh là đất nước có nền văn hóa phong phú và lịch sử lâu đời với nền văn minh bắt nguồn từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Bangladesh còn nổi tiếng với những kiến trúc độc đáo mang đậm màu sắc tôn giáo cùng những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.

Với diện tích tương đối nhỏ, gần 144.000 km2, nhưng Bangladesh khá phong phú về những di sản với các di tích lịch sử và khảo cổ học, những khu rừng tự nhiên và những bãi biển dài. Bangladesh được thiên nhiên ưu đãi phủ lên màu xanh bao la của bạt ngàn núi rừng với mức độ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng.

 

Ngoài ra, các thành quách, công trình tôn giáo như khu khảo cổ của Mohasthangarh, tu viện Phật giáo Paharpur và nhà thờ Hồi giáo Sat Gambud cùng với bãi biển tuyệt đẹp Bazar Cox cũng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho quốc gia Nam Á này.

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều cảnh đẹp độc đáo, Bangladesh đang trở thành điểm đến cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ và có mong muốn khám phá, chinh phục những miền đất mới mẻ, thú vị.

Kể từ khi giành độc lập vào năm 1971 đến nay, Bangladesh đã có sự phát triển nhanh chóng. Bangladesh đã đạt nhiều thành tựu về xã hội, trong đó có việc trao quyền cho phụ nữ, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em, đạt nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhiều người dân đã thoát nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện.

Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của đảng Liên đoàn Nhân dân do Thủ tướng Sheikh Hasina đứng đầu, tình hình kinh tế Bangladesh nhìn chung ổn định. Chỉ số GDP duy trì ở mức khoảng 7%.

Mặc dù 1/2 giá trị GDP của Bangladesh có được nhờ vào ngành dịch vụ, nhưng khoảng 50% dân số Bangladesh hiện sống nhờ vào làm nông nghiệp mà sản phẩm chính là cây lúa, đay, chè, mía, khoai tây, thuốc lá, bông, hạt có dầu… Dệt may là ngành xuất khẩu chủ yếu, chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Sự tăng trưởng đều đặn của xuất khẩu hàng may mặc và tiền gửi về từ nguồn lao động xuất khẩu đạt khoảng 15 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng GDP.

Hiện Bangladesh đang tích cực triển khai Chiến lược Tầm nhìn 2021, đặt mục tiêu đưa đất nước gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình và trở thành một nước số hóa, có nền khoa học công nghệ phát triển tiên tiến.

Trong thời gian tới, Bangladesh đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và khuyến khích phát triển nhanh các ngành công nghiệp mũi nhọn như viễn thông, công nghệ thông tin và đóng tàu.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Bangladesh

Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 11/2/1973. Từ đó đến nay, hai bên duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Bangladesh. Hai nước luôn sát cánh và ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập chủ quyền và phát triển kinh tế ở mỗi nước.

Hai nước thường xuyên có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc.

Hợp tác kinh tế-thương mại song phương tăng nhanh. Tiểu ban Thương mại hỗn hợp hai nước đã họp lần thứ nhất (vào tháng 4/2015).

Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Bangladesh có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm: từ 14 triệu USD năm 2002 lên 388,1 triệu USD năm 2012. Riêng giai đoạn 2010-2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng hơn 2,5 lần, từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD. Năm 2015, thương mại hai nước đạt khoảng 620 triệu USD, năm 2016 đạt gần 609 triệu USD. Trong đó, Việt Nam là nước xuất siêu. Trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladesh đạt 330,86 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Bangladesh là clanke và xi măng, phôi thép, điện thoại di động. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Bangladesh là nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, tân dược, vừng. Hai nước đã ký gia hạn Bản ghi nhớ về thương mại gạo đến hết năm 2022 (vào tháng 5/2017). Hai bên đang phấn đấu đạt mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương trong những năm tới.

Về đầu tư, tính đến tháng 9/2017, Bangladesh có ba dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký là 580,1 nghìn USD, đứng thứ 96/116 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Bangladesh với tổng vốn 27,9 nghìn USD, Bangladesh đứng thứ 68/72 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đã đầu tư.

Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Bangladesh có dấu hiệu phát triển tích cực. Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo gặp gỡ các doanh nghiệp Bangladesh và khai trương Phòng Thương mại và Công nghệp Bangladesh-Việt Nam (tháng 3/2017). Bộ Công Thương tổ chức đoàn gần 20 doanh nghiệp Việt Nam thăm Bangladesh, tham dự Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại tại Dhaka (tháng 8/2017).

Về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên tích cực trao đổi đoàn các cấp sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, tái định cư và di dân, nuôi trồng thủy sản. Bangladesh đang tìm hiểu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trai cấy ngọc cả nước mặn và nước ngọt.

Ngoài ra, các hoạt động hợp tác văn hóa, giáo dục-đào tạo giữa hai nước cũng được tích cực thúc đẩy. Tính đến nay, Học viện Hành chính Quốc gia của Việt Nam phối hợp với Bộ Hành chính công và Trung tâm Đào tạo Hành chính công Bangladesh đã tổ chức tổng cộng 16 khóa đào tạo về hành chính công cho gần 500 cán bộ các cấp của Bangladesh tại Việt Nam.

Với những nền tảng tốt đẹp đó, Việt Nam và Bangladesh hoàn toàn có cơ sở để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nhằm đưa mối quan hệ phát triển lên tầm cao mới.

 

(theo TTXVN)


+8801770123799